Trung Quốc tự hào về thủy phi cơ lớn nhất thế giới
Thủy phi cơ (hay máy bay lưỡng thê) Giao Long-600 (JiaoLong-600 – JL-600) do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo hiện đang tiến hành lắp ráp mô hình ở thành phố Chu Hải. Chiếc thủy phi cơ này dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối năm sau và sẽ trở thành máy bay lưỡng thê lớn nhất thế giới trong tương lai.Được biết, hiện nay Giao Long-600 đã hoàn thành tất cả thiết kế, các bộ phận linh kiện đang lần lượt được vận chuyển đến thành phố Chu Hải chuẩn bị lắp ráp một mô hình thu nhỏ để tham dự triển lãm hàng không Chu Hải diễn ra vào cuối tháng sau ở thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Đông này.
Giao Long-600 là máy bay lưỡng thê đầu tiên của Trung Quốc, được bắt đầu phát triển từ năm 2009. Trước đây, nước này đã có thủy phi cơ ném bom SH-5 đã hoạt động từ những năm 1980, nhưng chiếc máy bay này lại không thể cất hạ cánh ở các sân bay trên mặt đất không đáp ứng nhu cầu cứu hộ.Theo một số nguồn tin, Giao Long-600 có chiều dài 39,3m, sải cánh 39m, trọng lượng cất cánh thông thường 40 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 48 tấn, tải trọng hiệu quả là 12 tấn. Tốc độ bay tối đa của Giao Long-600 đạt 555km/giờ, tầm bay tối đa 5.300km, bán kính tác chiến 2000km, Thủy phi cơ Giao Long-600 trang bị 4 động cơ WJ6 sản xuất trong nước, công suất tối đa đạt 5.300 mã lực và trang bị động cơ cánh quạt 6 lưỡi hiện đại. Theo tham số kỹ thuật, trần bay 6000m. Nhìn từ các tiêu chí này có thể thấy, Giao Long-600 chú ý hơn đến việc tìm kiếm và cứu hộ tầm thấp.
Giao Long-600 chỉ cần trải qua thay đổi đơn giản có thể sử dụng cho mục đích quân sự, có khả năng tuần tra trên mặt nước, trên mặt biển trong thời gian dài, sau khi cải tiến nó có thể làm nhiệm vụ chống ngầm, thậm chí mang theo vũ khí tấn công tàu ngầm.
Ngoài loại thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản, thị trường thủy phi cơ thế giới còn có sự góp mặt của thủy phi cơ Nga như Beriev Be-200 và Be-103, Bombardier 415 (CL-415) của Canada và Akoya của Pháp. Những loại máy bay này cũng bị người Trung Quốc coi là dưới cơ của Giao Long-600. Mặc dù Giao Long-600 mới chỉ là mô hình nhưng các phương tiện truyền thông cho rằng, vẫn đáng được mong chờ nhìn thấy chiếc thủy phi cơ lớn nhất thế giới, có khả năng cất và hạ cánh một cách thuận lợi trên mặt đất cũng như trên mặt nước và có thể bay sát mặt nước như “quảng cáo” của người Trung Quốc.Tuy người Trung Quốc vỗ ngực tự khen là loại thủy phi cơ lớn nhất thế giới nhưng Giao Long-600 mới đang ở dạng mô hình, các tính năng của nó vẫn còn rất “tù mù”. Một vài tham số cơ học trên lý thuyết không thể nói lên được là nó vượt trội thủy phi cơ US-2, thuộc dạng tiên tiến nhất trên thế giới của Nhật Bản.
Hơn nữa, JL-600 còn chưa phát triển đến giai đoạn nguyên mẫu thực nghiệm (cuối năm 2015), từ giai đoạn nguyên mẫu thực nghiệm đến khi hoàn tất còn mất nhiều năm nữa Giao Long 600 mới thực sự hoàn thiện, đến lúc đó các thủy phi cơ khác đã phát triển đến mức độ nào thì chưa ai biết được.
JL-600 cũng được coi là “có khả năng săn ngầm và tấn công tàu ngầm”, tuy nhiên đó là những giai đoạn sau, khi JL-600 đã đạt được mức độ thiết kế tối ưu người Trung Quốc mới tiếp tục cải tiến để trang bị thêm tính năng này. Vì thế, chưa ai dám chắc đến thời điểm nào một phiên bản săn ngầm của Giao Long 600 xuất hiện.Trong khi đó, loại thủy phi cơ Shin Meiwa US-2 của Nhật đã hoàn thiện công nghệ và được đánh giá là một trong những thủy phi cơ hiện đại nhất trên thế giới, vượt trội 1 số máy bay đồng hạng như CL-415 của Canada hay Be-200 của Nga. Hiện Nhật đang đàm phán để chuyển giao công nghệ cho một số nước như Ấn Độ hay Australia.
Với những tính năng ưu việt đã được nhiều chuyên gia quân sự và công nghệ trên thế giới khen ngợi, có thể nhận định là mặc dù ra đời sau nhưng Giao Long 600 của Trung Quốc khó có thể sánh được với loại loại thủy phi cơ tiên tiến nhất US-2 của Nhật chứ đừng nói là vượt trội nó. Khám phá tính năng của thủy phi cơ hàng đầu thế giới Shin Meiwa US-2.Nhật Bản là quốc đảo rộng lớn gồm nhiều nhiều quần đảo hợp thành với bờ biển trải dài tới gần 3 vạn km nên từ lâu Nhật đã rất quan tâm phát triển lực lượng thủy phi cơ.
Ngay từ năm 1967, Cục phòng vệ Nhật Bản đã tự lực nghiên cứu, chế tạo loại thủy phi cơ PS-1 và đưa vào sử dụng tới 23 chiếc (tại thời điểm đó Trung Quốc chỉ có khoảng 10 chiếc thủy phi cơ).Tuy nhiên, do hạn chế về công nghệ nên loại máy bay này có trần bay thấp, hành trình ngắn, khả năng hoạt động trong thời tiết xấu hạn chế nên đầu thập niên 90 Nhật đã loại bỏ toàn bộ số máy bay đó và đưa vào sử dụng thế hệ thủy phi cơ hiện đại hơn gồm 20 chiếc US-1.
US-1 do Viện nghiên cứu chế tạo máy thuộc Tập đoàn Shin Meiwa sản xuất, có khả năng cất, hạ cánh trên mặt biển trong điều kiện sóng cao 3m, tốc độ gió 25m/s (tương đương 90km/h), hành trình tối đa 3000km, bán kính tác chiến 1300km.Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại các loại máy bay này cũng đã cũ, khó đáp ứng được yêu cầu tác chiến biển trong thời kỳ mới nên Nhật Bản đã quyết định chỉ định Viện nghiên cứu chế tạo máy thuộc Tập đoàn Shin Meiwa phát triển thế hệ kế tiếp là US-2, trên cơ sở của US-1A. Shin Meiwa đã cải tiến US-1A Kai với trọng điểm tập trung vào hệ thống điều khiển và thao tác trên mặt nước và các thiết bị trinh sát trên máy bay nhằm đáp ứng yêu cầu của Bộ Quốc phòng Nhật Bản là US-2 phải có tính năng tiên tiến nhất trong số các thủy phi cơ tuần tiễu và săn ngầm trên thế giới.
Thủy phi cơ thế hệ mới tiên tiến US-2 của Nhật Bản
US-2 được thiết kế hệ thống điều khiển chiều dọc, tích hợp buồng lái kiểu tăng áp và hệ thống bảng điều khiển; thay đổi động cơ AE2100, thay bánh lái 3 lá bằng bánh lái 6 lá; giảm trọng lượng của 2 cánh chính, 2 tấm đệm giảm chấn sóng và trọng lượng khoang phao dưới bụng máy bay. Thủy phi cơ Shin Meiwa US-2 có tầm hoạt động tới 4700km, bán kính tác chiến 1800km, có khả năng cất, hạ cánh trên mặt biển trong điều kiện sóng cao 3-5m. Với bánh lái mới Dowty R414 loại 6 lá, US-2 có khả năng hạ cánh và di chuyển trên mặt biển như một tàu cánh ngầm.Tất cả những cải tiến trên đã giúp US-2 có sự thay đổi lớn về chất so với US-1A: độ cao bay lên tới 6,1km (gấp đôi US-1A), tốc độ từ 490km/h nâng lên 560km/h, hành trình tối đa tăng lên gần 1000km (4700/3800km). Ngoài ra, khả năng tự động hóa cao cùng giúp US-2 giảm số lượng nhân viên từ 3 (US-1A) xuống còn 2 người.
Điểm đặc biệt nhất là trong giai đoạn chạy quán tính, 2 tấm đệm giảm chấn sóng sẽ hạ xuống nâng cao sức nổi của máy bay, khiến nó rút ngắn khoảng cách chạy đà cất cánh trên biển so với US-1A tới 38%, từ 735m rút xuống còn 460m, hạ cánh là 220m (với tải trọng 36 tấn).Về phương diện này, US-2 đã vượt qua những loại thủy phi cơ tiên tiến nhất trên thế giới hiện được một số nước trong khu vực sử dụng như: CL-415 của Canada với khoảng cách chạy đà cất/hạ cánh trên mặt nước là 814/655m (tải trọng 18 tấn) và Be-200 của Nga là 1400/800m.
US-2 được thiết kế cabin bằng thủy tinh gia cường, là loại thủy phi cơ cỡ lớn đầu tiên trên thế giới sử dụng cabin chịu lực giúp nó có thể chịu được áp suất lớn khi bay trên độ cao tối đa 9km/h và chịu được sức va đập của sóng cao 5m, tốc độ gió 30m/s (gần 110km/h), cực kỳ phù hợp trong điều kiện sóng gió dữ dội ở khu vực quần đảo Senkaku.Hệ thống thiết bị trên máy bay có trình độ tự động hóa rất cao, hệ thống thông tin sử dụng các thiết bị trên dải sóng cao tần, rất cao tần và siêu cao tần (HF/VHF/UHF); hệ thống dẫn đường sử dụng phương thức hỏi/đáp thông tin vệ tinh 2 chiều (ARQ), thiết bị định vị toàn cầu GPS, thiết bị dẫn đường quán tính.
Hệ thống trinh sát trên US-2 sử dụng radar tìm kiếm mục tiêu, thiết bị quan sát hồng ngoại ban đêm và hệ thống radar đa nhiệm “Sea King”… do công ty Thomson/DASA sản xuất, phục vụ công tác tìm kiếm, cứu hộ, tuần tiễu.Ngoài ra nó còn có thể mang theo các phao sonar để đảm nhận nhiệm vụ trinh sát và phát hiện tàu ngầm. Hiện chưa có thông tin gì về khả năng trang bị vũ khí chống ngầm trên thủy phi cơ US-2 nhưng với trình độ công nghệ rất cao của Nhật, điều này cũng không phải là quá khó khăn.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đặt mua 14 chiếc US-2, đồng thời cũng triển khai thêm căn cứ thủy phi cơ thứ 3 ở Okinawa làm căn cứ mẹ cho US-2 để nâng cao khả năng phản ứng nhanh trên biển, phụ trách công việc giám sát mọi động tĩnh của máy bay và tàu ngầm đối thủ tại khu vực Senkaku/Điếu Ngư.Theo Đất Việt
Liên hệ quảng cáo
Yahoo: langtukhongtingdau_900
Comments[ 0 ]