Định lắp camera theo dõi con
Bà Nguyễn Thùy D. ở ngõ 120 đường Lê Trọng Tấn, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: Cô con gái Hoàng Thùy L của bà đã vừa thoát chết trở về sau khi uống đến 7 viên Valium (thuốc ngủ) loại 5mg. Bà D. kể rằng L đã liều lĩnh uống thuốc để kết thúc cuộc đời vì nỗi thất vọng trượt đại học.
Cho đến bây giờ, khi sự việc kinh hoàng đó xảy đến với con gái đã qua hơn một tuần lễ nhưng mỗi khi nhớ lại cũng khiến bà D. chưa hết bàng hoàng.
"Mấy hôm thi về cháu nó đã biết được kết quả không tốt sau khi tra cứu đáp án. Suốt mấy tuần sau đó nó không nói một câu, không đi đâu ra khỏi nhà, ăn uống cho qua chuyện. Bố mẹ gợi ý cho nó chuyến đi Đà Lạt xả hơi, nhưng nó một mực từ chối. Thế rồi ngày công bố điểm cũng đến. Tôi nghe ban bè nói Học viện Ngoại giao đã có điểm chuẩn công bố trên mạng. Dù đã xác định trước tinh thần con mình đợt này thi không tốt nhưng mà nhìn tổng điểm của nó chưa quá 10 mà thất vọng. Bữa cơm chiều hôm đó, sau khi biết kết quả, bố có trách móc vài câu thì nó chỉ xin phép lên phòng. Thương con, trước khi đi ngủ, tôi sang phòng để động viên cháu nó sang năm thi lại. Thấy con nằm trên giường tôi lay mãi mà nó không dậy. Trời ơi. Nó đã làm điều gì đó liều lĩnh. Tôi quáng quàng gọi chồng...", bà D. thất thần kể lại.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm số thí sinh trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ chỉ chiếm chưa đến 30%, còn lại gần 70% thí sinh phải chấp nhận rời xa cánh cửa ĐH, CĐ. Cũng theo số liệu mới nhất cho thấy, cứ sau mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng lại có vài vụ học sinh tự tử vì thi trượt. Bên cạnh đó, con số các bệnh nhân đến khám tâm thần vì sốc, hay trầm cảm do trượt đại học cũng tăng đáng kể.
Rất may, các bác sỹ ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã kịp thời cứu sống L. Bà D. nói rằng đêm ấy mà bà không sang phòng con để động viên an ủi thì chắc có lẽ cô con gái chắc chắn không thoát khỏi cái chết.
L. là con gái duy nhất. Gia đình lại khá giả nên cô bé lại càng được quan tâm, cưng chiều. Bà D kể: "Ba năm học phổ thông, L. đều học khá tốt. Chúng tôi rất tin tưởng vào sức học của con. Cái ngày nó đăng ký thi vào Học viện Ngoại giao, ai cũng tin nó sẽ đỗ. Trước ngày con đi thi, chồng tôi còn đăng ký cho cả nhà một chuyến du lịch Thái Lan và treo giải cho L một chiếc xe máy LX khi có thông báo điểm thi".
Có lẽ những phần thưởng giá trị đó là phần nhỏ, cái lớn hơn là sự kỳ vọng quá nhiều từ gia đình đã vô hình đè nặng áp lực lên vai cô học trò nhỏ. Trước và sau thi đại học là hai thời điểm hoàn toàn trái ngược đối với L. Từ một cô gái tự tin năng động, biến thành một người không nói không rằng suốt ngày đóng cửa im ỉm, rồi liều lĩnh tìm đến cái chết.
Bà D. công nhận rằng vợ chồng bà đã sai lầm sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT không được như ý của con. Bà đã thuê gia sư đến nhà dạy thêm. Suốt gần tháng trời ôn thi L. chỉ có biết sách vở. Cô bé hầu như không còn thời gian nghỉ ngơi giải trí. "Chưa cần bố mẹ thúc nhắc, sau khi kết quả điểm tốt nghiệp gây thất vọng, nó đã tự vùi đầu vào học. Nhiều đêm liền, 3 giờ sáng tôi mới thấy phòng con tắt điện", bà D. kể.
Nhiều lúc thấy con gục xuống bàn học, khuyên con nghỉ ngơi một chút thì bị chồng tôi phản đối: "Ngày trước thời bố mẹ, học hành còn vất vả hơn trăm lần. Con phải tiếp tục chiến đấu, vất vả cả 12 năm trời rồi còn được. Còn có mấy ngày phải tăng tốc lên. Tương lai có xán lạn hay không phụ thuộc tất cả vào những gì ngày hôm nay đấy, biết chưa?". Đó còn chưa kể đến "bài" tâm lý rằng "thương bản thân rồi còn phải thương lấy bố mẹ nữa. Con cái học hành không đến đâu thì ra đường dám nhìn mặt ai. Con phải làm rạng danh nhà ta. Không chỉ bố mẹ nở mày nở mặt mà còn là tấm gương cho các em ở quê noi theo"...
Bây giờ, đứa con gái của bà đã thoát chết. Nhưng không lúc nào bà nguôi nỗi lo lắng, chẳng ai dám chắc L. không dám làm liều thêm một lần nữa. Đó còn chưa kể đến chấn thương tâm lý này. "Chồng tôi còn có ý định lắp camera theo dõi L. Nhưng tôi phản đối. Nó mà biết được bố mẹ theo dõi nhất động nhất cử thì hậu quả có khi còn tồi tệ hơn. Đã một tuần nay tôi nghỉ phép để ở nhà với con. Động viên an ủi con. Hy vọng nó vượt qua được cú sốc này", bà D. buồn bã tâm sự.
Nhập viện tâm thần vì thi trượt
Tuần qua, Chuyên khoa thần kinh- Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cũng vừa tiếp nhận một trường hợp tự tử vì trượt đại học.
Bệnh nhân tên là Nguyễn Minh H (ở Phủ Lý, Hà Nam). H. đã thi trượt Đại học Y năm ngoái. Đầu năm nay cô đã ra Hà Nội thuê phòng trọ, đăng ký ôn tại các lò luyện thi có tiếng ở Thủ đô. Từ lâu H. ước mơ trở thành bác sỹ, cho nên cô quyết tâm trở thành sinh viên y khoa trường Đại học Y. Năm đầu thi trượt càng khiến cô dồn hết quyết tâm và hy vọng cho lần hai. Nhưng khi nhận được kết quả thi chỉ có 16 điểm. Mọi thứ tồi tệ mới bắt đầu đến với H. Cô lo lắng, bi quan và chán nản. Đến ngày trường Đại học Y công bố điểm chuẩn thì mọi thứ như đổ sụp. Ngành lấy điểm thấp nhất cũng đã lấy đến 20 điểm. H. cảm thấy hết cơ hội, tuyệt vọng, dẫn đến trầm cảm. Những ngày sau đó H như người mất hồn, có lúc hoảng sợ, có lúc lại lảm nhảm một mình. Gia đình quá lo lắng nên đã cho con nhập viện.
Mỗi một hướng đi, một lựa chọn cho tương lai đều có những thuận lợi và những khó khăn riêng, điều quan trọng là cần phải đủ niềm tin, ý chí và bản lĩnh. Ảnh minh họa.
Không đến mức nghiêm trọng như trường hợp của Hoàng Thùy L, nhưng cô nữ sinh quê ở Phủ Lý đến thời điểm này vẫn chưa thể trở về trạng thái bình thường. Từ ngày được coi là "định mệnh" đó H trở nên điên loạn, căng thẳng, thậm chí thích gây gổ với những người xung quanh. Mẹ của H kể, đêm đêm H lại ngồi bật dậy nói một mình, có lúc lại đập đầu vào song cửa sổ, lúc thì cười, lúc lại khóc. "Gia đình tôi không hề tạo áp lực cho con. Nhưng có lẽ nó kỳ vọng quá nhiều vào kỳ thi này. Cái ngày công bố điểm chuẩn, bạn bè hết đứa này đến đứa kia đậu. Đó có lẽ cũng là một phần dẫn đến việc tâm thần con tôi bất ổn định như bây giờ...", bà mẹ H.ngậm ngùi.
Đừng làm tổn thương con
Dẫu biết đại học không phải con đường duy nhất để lập nghiệp và cũng không phải tiêu chuẩn để đánh giá mức độ thành công của mỗi người, nhưng việc thi trượt đại học luôn đem lại những cảm giác dằn vặt, thất vọng, hoang mang cho nhiều bạn trẻ. Với quan niệm đậu đại học mới có thể thành đạt, nhiều phụ huynh đã rất sốc khi con thi trượt đại học. Thay vì an ủi, động viên con, họ đã mắng mỏ, trách cứ con thậm tệ, vì "thua thầy một vạn không bằng thua bạn một ly".
Khi con thi trượt đại học, các phụ huynh không nên "đao to búa lớn", gây áp lực vì sẽ làm cho con càng buồn, tổn thương đến tâm lý, thậm chí có thể dẫn đến những hành động tiêu cực đáng tiếc. Hãy ân cần động viên khi con chẳng may trượt đại học, để con thoát khỏi nỗi buồn, thất vọng, coi đó chỉ là thất bại tạm thời. Hãy giúp con giữ niềm tin rằng khi một cánh cửa đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Có nhiều con đường cho tương lai phía trước đang chờ đón. Nếu có sức học khá, có ước mơ cháy bỏng vào đại học và có điều kiện kinh tế gia đình khá thì hãy nuôi dưỡng ước mơ "dùi mài kinh sử" để năm sau thi tiếp.
Còn nếu sức học chỉ ở mức trung bình, tốt nhất hãy nghĩ đến việc thi vào các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, hay theo học ở một trường nghề nào đó. Mỗi một hướng đi, một lựa chọn cho tương lai đều có những thuận lợi và những khó khăn riêng, điều quan trọng là cần phải đủ niềm tin, ý chí và bản lĩnh trước cuộc sống để thực hiện ước mơ của mình.
Hà Phương
Comments[ 0 ]